eSim là khái niệm còn khá mới lạ với nhiều người dùng hiện nay. Vậy eSim là gì? Ứng dụng công nghệ này mang lại lợi ích như thế nào? Hãy cùng iHoiDap giải đáp thắc mắc này nhé!
eSim là gì?
eSim là viết tắt của Embedded SIM, là một loại SIM điện tử được tích hợp trong các thiết bị di động. Loại SIm này chính thức ra mắt thị trường vào năm 2017 cùng với hai sản phẩm của Google là Pixel 1 và Pixel 2XL. Tuy nhiên, eSIM chỉ trở nên phổ biến với người dùng khi hãng công nghệ Apple áp dụng công nghệ này cho iPhone Xs, iPhone Xs Max và iPhone Xr.
eSIM được hàn trực tiếp vào bảng mạch của thiết bị điện tử, đặc biệt là các sản phẩm có kích thước nhỏ, không thể chứa được SIM vật lý thông thường. Dù vậy, eSIM vẫn đảm bảo có đầy đủ các chức năng cần thiết tương tự như SIM thường.
Ưu và nhược điểm của eSIM là gì?
Để giúp người dùng có cái nhìn tổng quan về eSIM, bài viết này sẽ tổng hợp những ưu và nhược điểm của loại SIM này.
Ưu điểm
Là một ứng dụng công nghệ hữu ích dành cho người dùng, eSIM có những ưu điểm nổi bật sau đây:
- Là ứng dụng tiên tiến, hiện đại và tiện lợi cho người sử dụng.
- Kích thước nhỏ gọn giúp tiết kiệm không gian cho thiết bị di động. Nhờ đó, chiếc điện thoại sẽ được trang bị nhiều tính năng và có tính thẩm mỹ cao hơn.
- Khe SIM được giảm tải nên không cần sử dụng que chọc SIM cũng như hạn chế việc bụi bám vào khe, tránh gây ảnh hưởng đến phần cứng của điện thoại.
- eSIM có thể sử dụng cho nhiều nhà mạng và thiết bị, đồng thời dễ dàng chuyển đổi nhà mạng hay gói cước mà không cần đổi thẻ SIM như SIM thường.
- eSIM được tích hợp ngay trên thiết bị nên không thể tháo rời ra được. Vì vậy, người dùng vẫn gọi được cho số thuê bao trên SIM ngay cả khi bị mất điện thoại.
- Với 1 eSIM, người dùng có thể tích hợp 5 số thuê bao nhưng chỉ được sử dụng 1 số trong một thời điểm.
- Người dùng không cần phải thay SIM khác khi nhà mạng đang sử dụng thực hiện nâng cấp SIM.
Nhược điểm
Bên cạnh những lợi ích mà eSIM mang lại cho người sử dụng thì loại SIM điện tử này cũng gặp một số hạn chế nhất định như:
- Vì eSIM được gắn cố định như một bộ phận của thiết bị nên không tách rời được như SIM vật lý. Do đó, khi mua điện thoại mới, bạn cần liên hệ với nhà mạng hoặc cửa hàng điện thoại để tiến hành đưa dữ liệu từ thiết bị cũ sang thiết bị mới. Ngoài ra, để chuyển dữ liệu, điện thoại của bạn phải được kết nối internet.
- So với SIM vật lý, eSIM được nhiều người dùng đánh giá có khả năng bắt sóng kém hơn.
Có nên sử dụng eSim không?
Thực tế ở iPhone, eSIM và SIM vật lý đều sử dụng chung 1 dạng profile nhà mạng di động nên về mặt lý thuyết chất lượng dịch vụ là tương đương nhau.
Như vậy, có thể thấy eSIM và SIM thường ngang nhau về chất lượng sóng. eSIM sẽ có lợi thế do ít bị hỏng hóc và có thể tích hợp được nhiều số thuê bao. Trong khi đó, những chiếc SIM thường lại thuận tiện hơn trong việc chuyển đổi qua lại giữa các máy khi có trường hợp khẩn cấp.
Qua tất cả yếu tố trên, việc có nên dùng eSIM trên iPhone hay không sẽ còn phụ thuộc vào nhu cầu cũng như cách sử dụng thiết bị hằng ngày của bạn.
Nếu bạn thích khả năng tích hợp nhiều thuê bao trong một SIM và thay đổi nhà mạng một cách nhanh chóng thì eSIM sẽ là sự lựa chọn thông minh dành cho bạn. Ngược lại, nếu muốn chuyển đổi thẻ SIM qua lại giữa các thiết bị dễ dàng thì SIM vật lý sẽ phù hợp với bạn hơn.
Hy vọng sau bài viết này các bạn sẽ hiểu rõ hơn về eSim, cũng như có nên cân nhắc về việc sử dụng eSim trên điện thoại của mình không. Nếu thấy bài viết này hữu ích, đừng quên chia sẻ và theo dõi thêm những bài viết tiếp theo của iHoiDap nhé!